Gợi ý thực đơn ngon, bổ, dễ nấu cho bé 6 tháng - 1 tuổi
Bé Kem được mẹ cho ăn dặm theo phương pháp BLW khi được 6 tháng tuổi. |
Chào chị Hà, xin hỏi lý do gì chị chọn ăn dặm BLW để áp dụng cho con? Tại sao không áp dụng các phương pháp khác như truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật?
Mình chọn phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW) vì thấy đây là phương pháp phù hợp với bé nhất. Sau khi tìm hiểu và thấy nhiều mẹ cũng đã áp dụng thành công, mình quyết định chọn phương pháp này, để bé tự do khám phá mỗi bữa ăn.
Ăn dặm truyền thống thì mình thật sự không thích, vì bé chỉ ăn cháo là chính. Ăn dặm kiểu Nhật thì lúc đầu cũng phải đút bón, nhưng bé Kem có vẻ không thích được đút, nên cuối cùng ăn dặm BLW là tốt nhất cho 2 mẹ con.
Trong quá trình áp dụng phương pháp này cho con, chị nhận thấy BLW có những ưu điểm gì? Và có nhược điểm không? Nếu có thì khắc phục như thế nào?
Ưu điểm của ăn dặm BLW là tận dụng giai đoạn tập nhai và nuốt thức ăn của bé (6-8 tháng) để bé có cơ hội luyện tập và học kỹ năng ăn tốt hơn. Ngoài ra bé cũng phát triển kỹ năng cầm nắm, qua quá trình tập ăn, bé sẽ nếm được nhiều vị thức ăn, bé sẽ nhớ được màu sắc, mùi vị, kết cấu thức ăn.
Ví dụ lúc đầu bé sẽ bóp khi đưa thức ăn quá mềm, nhưng từ từ, khi đưa lại loại thức ăn đó, bé không bóp nữa mà sẽ khéo léo cầm nhẹ nhàng hơn.
Khuyết điểm của ăn dặm BLW có lẽ là giai đoạn đầu tập ăn bé hầu như chưa nuốt được gì, hoặc may mắn nuốt được ít. Hầu như các mẹ chưa chuẩn bị tâm lý trước rất dễ lo lắng và sốt ruột.
Cách khắc phục là nếu đã xác định cho con ăn dặm BLW hoàn toàn thì nên chuẩn bị tâm lý trước. Vì ăn theo cách này, bé chủ yếu học và luyện tập, không nên đặt nặng việc bé có ăn được nhiều không. Dù gì thì dưới 1 tuổi, sữa mẹ vẫn là thức ăn chính với trẻ. Nhưng nếu được ăn theo BLW hoàn toàn, bé sẽ tiến bộ rất nhanh.
Mục đích cuối cùng chị hướng đến khi cho con ăn dặm theo BLW?
Mục đích của mình khi cho bé ăn dặm theo BLW là muốn mỗi bữa ăn của con đều được vui vẻ, con được ngồi ăn chung với bố mẹ, không có chuyện phải đút bé ăn trước hoặc làm nhiều thứ để dụ bé ăn. Hơn hết mình muốn con thấy ăn uống là sự hưởng thụ, là niềm vui chứ không phải tới bữa ăn là sợ hãi.
Cuối cùng là mỗi em bé ăn theo BLW thành công sẽ tự xúc thìa tự ăn khi đến bữa. Đó có lẽ là mong ước của hầu hết các bà mẹ. Mình nghĩ tới thời điểm hiện tại, mình cũng đã đi được rất gần tới đích đó. Bé Kem cũng đang tập xúc, tuy chưa gọi là xúc giỏi, nhưng cũng tự xúc được rồi.
Nếu bận rộn có thể cho bé ăn dặm BLW kết hợp. Nghĩa là cuối ngày mẹ đi làm về cùng ngồi ăn BLW với con, trong ngày có thể cho ăn dặm kiểu Nhật, nhưng vẫn duy trì kỉ luật bàn ăn, tới bữa cho bé ngồi vào ghế ăn, không tivi, điện thoại hay máy tính bảng.
Mục đích của ăn dặm BLW là đem đến niềm vui và hào hứng cho con trong từng bữa ăn. |
Bé Kem được ăn đúng giờ, đúng bữa, không ăn vặt. |
Chị có thể chia sẻ về hành trình ăn dặm của bé Kem?
Kem bắt đầu ăn dặm lúc 6 tháng 1 ngày. Bữa đầu tiên mình cho bé ăn quả bơ chín. Lúc đó hầu như bé chỉ bóp, có đưa lên miệng nhưng cũng bị oẹ. Tuy nhiên đây là phản ứng rất bình thường với các bé ăn dặm theo BLW giai đoạn đầu. Hoàn toàn không có chuyện bé sẽ bị hóc và gây nguy hiểm cho bé bởi thức ăn được cắt theo dạng thanh và đều là thức ăn mềm.
Lúc đầu mình chỉ cho con ăn một bữa vào buổi tối, khi đó có cả bố và mẹ. Sau 1 tháng, mình tăng lên 2 bữa, vào buổi trưa và tối.
Đến khi bé 10 tháng, mình cho ăn thêm bữa sáng, nhưng bữa này cho ăn ít hơn vì xem như đây là bữa phụ. Thi thoảng bé có ăn thêm bữa phụ buổi chiều là một ít trái cây hoặc bánh do mẹ tự làm.
Chị có đặt ra nguyên tắc gì khi cho con ăn dặm theo BLW hay không?
Mình luôn tuân thủ cho Kem ăn đúng giờ, đúng bữa, không ăn vặt. Ngoài ra, thức ăn không nêm mắm muối, chỉ có ít tiêu và hành tỏi hoặc các loại rau gia vị.
Bé Kem chưa trải qua giai đoạn nào gọi là biếng ăn cả. Chỉ lâu lâu có một bữa không thích ăn món đó nên không muốn ăn, nhưng vẫn ăn trái cây hoặc rau củ. Nói chung chưa có bữa ăn nào Kem từ chối hết tất cả các món, có những bữa ăn hết, cũng có bữa chỉ ăn những món mà bé muốn ăn. Mình vẫn giới thiệu món luân phiên các ngày, có khi món đó hôm đó không muốn ăn, qua hôm khác mẹ làm lại, bé lại chịu ăn.
Thức ăn của Kem đều không nêm mắm muối, chỉ nêm hành, tỏi, tiêu. |
Bé Kem chưa từng trải qua giai đoạn biếng ăn. |
Là một bà mẹ có nhiều kinh nghiệm cho con ăn theo BLW, chị có lời khuyên nào cho các mẹ "bỉm sữa" khác?
Khi chọn cho bé ăn theo BLW, các mẹ nên tìm hiểu kỹ về phương pháp này, đọc sách hoặc tài liệu để hiểu rõ những nguyên tắc nấu ăn ra sao, cho bé ngồi thẳng lưng khi ăn. Các mẹ yên tâm là hầu như không bao giờ bé bị hóc hoặc nghẹn, vì lúc đầu điểm oẹ ở lưỡi rất xa cổ họng, thức ăn vừa tới đó bé đã có phản xạ oẹ ra rồi. Vì thế cho con ăn theo BLW ngay từ đầu thì lại càng an tâm hơn. Nếu muốn an tâm hơn nữa các mẹ có thể học cách sơ cứu khi bé hóc hoặc nghẹn, nắm vững kiến thức và trao cho bé cơ hội.
Điều tự hào nhất khi cho bé ăn dặm theo BLW là tới bây giờ mẹ hầu như chưa phải bỏ bữa để đút cho bé. Bữa nào mẹ cũng được ăn cùng với con. Đi ra ngoài ăn bé cũng ngồi ăn rất ngoan, có khi hơn 1 tiếng. Bé ăn được rất nhiều loại thực phẩm, cả nhà ăn gì bé ăn nấy, đi du lịch cũng rất dễ dàng nữa. Ngoài ra cũng nhờ cho bé ăn theo BLW mà khẩu vị gia đình cũng nhạt đi rất nhiều.
Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ này!
Sau đây là thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 tháng tuổi - 1 tuổi. Mời các mẹ tham khảo!
Thực đơn ăn dặm giai đoạn 6-7 tháng
1. Tôm hấp. Cà chua hấp lột bỏ vỏ và hạt. Khoai lang nướng. Lê.
2. Bánh bèo sữa mẹ Khổ qua luộc Thịt heo luộc xé thớ dọc Đu đủ chín.
3. Bông cải xanh, cà rốt hấp. Bánh bèo sữa mẹ. Xoài cát chín.
4. Bí đỏ, khoai tây nướng. Gà nướng. Lê.
1. Pancake gồm lòng đỏ trứng, sữa mẹ, bột mì. Nấm đùi gà hấp. Bơ.
2. Cơm nắm. Măng tây, mướp khía, thịt bò xào tỏi. Đu đủ chín.
1. Sợi mì ý luộc. Bông cải xanh hấp. Bí đỏ nướng.
2. Bắp nếp luộc bào xước lớp ngoài. Thịt heo luộc cắt miếng mỏng. Chuối sứ chín.
3. Mực hấp. Cà rốt hấp.Táo.
4. Thịt vịt luộc xé thớ dọc. Bắp cải hấp. Xoài cát chín.
1. Cơm với lòng đỏ trứng vịt chưng thịt băm, hành tây, tiêu. Canh cải thảo thịt băm.Tráng miệng nho đen không hạt.
2. Bánh đậu xanh sữa mẹ. Cá lóc áp chảo. Su su và cà rốt xào. Con hến nấu rau muống hột.
1. Đùi gà ta luộc. Mít non luộc. Cà rốt hấp. Đu đủ chín.
2. Cơm nắm. Thịt sườn ướp hành tím và tiêu rồi nướng. Bí hấp, canh cải nấu thịt băm.
3. Tôm hấp. Dưa leo. Đậu ngọt hấp.
4. Sườn non nướng. Su su xào tỏi. Canh xà lách xoong nấu thịt bằm.
Thực đơn ăn dặm 8-9 tháng:
1. Đậu hà lan hấp. Tim áp chảo. Nấm rơm, bông thiên lý, hành tây xào tỏi. Tráng miệng cam.
2. Tôm lắc bột bắp chiên giòn. Mướp xào tỏi. Súp củ sen, nấm đông cô nấu đuôi lợn. Dưa hấu.
3. Cơm cuộn rong biển. Nho xanh, nho đỏ ko hạt. Cà chua roseberry vàng.
4. Bánh cuốn tráng chảo nhân thịt băm hành tây nấm mèo, ăn với hành tím phi và dưa leo. Trứng áp chảo. Tráng miệng cam.
1. Bò kho nấu nước dừa tươi. Ăn kèm bún tươi sấy khô luộc. Rau quế và ngò gai, cà rốt. Rau lang luộc. Tráng miệng dưa lưới Nhật.
2. Cơm ấn khuôn. Cá trích trứng áp chảo. Củ hũ dừa xào tỏi. Bắp cải luộc.Tráng miệng dâu và nho.
3. Khoai lang hấp ức gà luộc. Bông thiên lý hấp. Tráng miệng blueberry và cherry.
4. Mì ý bò băm sốt cà chua và hành tây. Xà lách nhí. Củ cải đỏ nhí và ớt chuông hấp. Tráng miệng mận.
1. Hạt sen nấu sữa mẹ. Cá hồi nướng bơ tỏi, rắc lá hương thảo. Rau muống mầm xào tỏi. Bí ngòi vàng luộc. Tráng miệng dâu.
2. Bánh pancake kiểu Dorayaki mềm xốp. Tôm hấp cắt nhỏ. Tim xào măng tây. Bầu luộc. Tráng miệng hồng.
3. Mì udon.Tim, thịt băm ăn kèm. Nước dùng có nấm và cà rốt. Tráng miệng dưa hấu.
4. Bánh khoai lang nhân phô mai. Thịt gà nấu sữa mẹ. Khổ qua xào trứng. Canh bí. Tráng miệng cam xoàn.
Thực đơn giai đoạn 10-12 tháng:
1. Cơm viên. Cá lóc viên ớt chuông vàng chiên. Súp sa kê nấu sườn. Tráng miệng nho.
2. Chả giò tôm cua thịt, cà rốt, khoai môn, nấm. Canh bầu. Tráng miệng vải và nho.
3. Cơm. Mực nhồi mướp nhật hấp. Canh khổ qua nhồi thịt. Tráng miệng dưa lưới Nhật.
4. Pancake yến mạch sữa mẹ. Càng cua nấu cải con và gừng. Bí đỏ hấp và dằm nát. Tráng miệng đu đủ.
1. Mì soba. Trứng trộn thịt, rong biển hấp. Hạt chia ngâm sền sệt. Tráng miệng kiwi vàng.
2. Cơm. Cá hồi áp chảo. Bông hẹ và giá luộc. Đậu bắp xào tỏi. Tráng miệng dưa lưới Nhật.
3. Cơm. Thịt bò cuộn lá lốt hấp. Nấm xào tỏi. Bí ngòi hấp. Tráng miệng dưa lưới và chôm chôm.
4. Cơm. Tôm áp chảo với bơ tỏi rồi lột vỏ cắt nhỏ. Rau cải mầm luộc. Canh bí đỏ. Tráng miệng vải.
1. Cơm. Cá sốt dâu, ăn kèm rau cải ngọt mầm. Canh khổ qua nhồi thịt. Tráng miệng dưa lưới Nhật.
2. Bánh quy mè. Ức vịt om nước dừa. Măng tây trắng xào tỏi. Bắp cải luộc. Tráng miệng cherry và nho khô.
3. Pancake yến mạch sữa mẹ. Gà viên hẹ hấp. Canh bí. Tráng miệng dưa lưới.
4. Bắp nếp nấu nếp than. Chả mực nhồi đậu bắp hấp. Đậu rồng xào tỏi. Tráng miệng kiwi.
1. Chuối ngự luộc. Cá thác lác trộn rau muống chiên. Bắp non luộc. Tráng miệng nho tí hon.
2. Bánh cuốn tráng chảo nhân thịt băm và nấm mèo, hành tây. Bông thiên lý luộc. Củ sen nấu thịt viên. Tráng miệng dâu.
3. Cơm sao. Chả gà hẹ áp chảo. Bông bí luộc. Canh mồng tơi. Tráng miệng thanh long.
4. Cơm chiên thêm đậu que, cà rốt, tôm cắt hạt lựu. Dưa gang dằm đậu xanh.Tráng miệng dưa hấu.
Thực đơn giai đoạn trên 1 tuổi:
1. Xôi gấc hấp nước dừa. Trứng chiên rong biển. Bông cải luộc. Tráng miệng cam xoàn.
2. Cơm. Chả cốm chiên. Canh rong biển. Đậu rồng luộc. Tráng miệng bơ.
3. Cơm. Trứng hấp cua đồng. Bông cải luộc. Canh rau đay, mướp. Tráng miệng thanh long đỏ, chôm chôm.
4. Cơm. Vịt om nước dừa. Rau tần ô. Canh măng nấu đuôi lợn. Tráng miệng mãng cầu.
1. Cơm. Thịt viên rau cải ngọt mầm. Canh bông cải. Tráng miệng chuối và nho khô.
2. Cơm. Tép rang nước dừa tươi. Đậu que xào tỏi. Canh khoai mỡ. Tráng miệng cam xoàn.
3. Cơm gấu. Chả cá thác lác rim thơm và nước dừa tươi. Bông cải luộc. Tráng miệng bơ booth.
4. Cháo yến mạch nấu hến. Thịt chiên cắt nhỏ. Mướp khía nấu canh. Cải ngọt luộc. Tráng miệng bòn bon.
1. Bún thịt bò kho cà rốt.
2. Cơm. Cà ri tôm nấu với khoai lang, nước dừa tươi và nước cốt dừa. Súp lơ xanh luộc. Tráng miệng dưa hấu.
3. Mỳ nui.
4. Cháo cá lóc. Bông cải luộc. Tráng miệng nho và cam.
Minh Trang
Theo Đời sống & Pháp lý
Nhận xét
Đăng nhận xét