Sao Hàn đang mất dần sức hút tại Việt Nam?
Cả tháng nay, khán giả Việt háo hức khi biết tin hàng loạt nghệ sĩ Hàn Quốc: Apink, Seven, Seventeen, DJ DOC, EXID... sẽ tham gia biểu diễn tại chương trình "MBC Music K-Plus Concert" tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội. Thế nhưng, đến buổi tối chính thức diễn ra chương trình (25/3), cả SVĐ Mỹ Đình có sức chứa hơn 40.000 người chỉ vỏn vẹn trên dưới 1000 khán giả tới theo dõi. Cảnh tượng "vắng tanh" của chương trình đã khiến không ít người phải lắc đầu ngán ngẩm, và đây được xem là đêm nhạc đầu tiên không nhận được sự quan tâm từ fan của "làn sóng Hallyu". Mặc dù lý do chính dẫn đến tình cảnh này bắt nguồn từ BTC, không chỉ nâng mức giá quá cao mà tin đồn về việc những thần tượng đình đám xứ Hàn sẽ xuất hiện như: Big Bang, EXO, BTS... đều không có đã khiến fan Việt hết mặn mà. Thế nhưng, đây lại là một minh chứng rõ nét cho thực tế: Âm nhạc Hàn Quốc đang mất dần sức hút tại thị trường Việt Nam!
Cả một sân vận động có sức chứa 40.000 khán giả vắng tanh trong đêm nhạc Kpop "khủng" tại Hà Nội tối 25/3 khiến nhiều người không khỏi xót xa. |
Làn sóng Hallyu đang hạ nhiệt
Làn sóng Hallyu bắt đầu "đổ bộ" vào Việt Nam từ những năm 2008 - 2009, khi internet vẫn còn chưa phát triển rộng rãi như bây giờ. Thời điểm ấy, khán giả Việt và nhiều nước khác chỉ có thể tiếp cận qua tivi và băng đĩa. Vì thế, Hallyu - làn sóng âm nhạc và văn hóa Hàn Quốc đã giải khát được tâm hồn thiếu thốn của cả môt thế hệ lúc bấy giờ. Với hình ảnh đẹp, âm nhạc bắt tai, dễ gây "nghiện" đã mau chóng "xâm chiếm" thị trường nhạc Việt. Có thời điểm, khán giả Việt không còn mặn mà gì với âm nhạc nước nhà mà trở thành fan cuồng của Kpop.
Những nhóm nhạc thuộc thế hệ thứ 2 Kpop (ra đời từ năm 2008) có sức ảnh hưởng thành công nhất cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. |
Nhắc đến sao Hàn, ai cũng sẽ nhớ ngay đến các nhóm nhạc đình đám: Big Bang, Super Junior, SNSD, T-ara, 2NE1... Những nhóm này đã tạo dấu ấn sâu đậm đến mức, dù bây giờ Kpop vẫn tiếp tục phát triển nhưng người ta lại nói làn sóng Hallyu đang bước vào giai đoạn thoái trào vì ngày càng nhiều nhóm mới mọc lên mà không có dấu ấn riêng nổi bật. Đặc biệt, sự sụp đổ của KARA năm 2014 càng khiến nhiều người tin tưởng rằng làn sóng Hallyu đình đám một thời bắt đầu bước vào giai đoạn bất ổn. Thậm chí, trang tin Sports Korea của Hàn Quốc từng có một bài viết liên quan đến vấn đề này và khẳng định, làn sóng Hallyu sẽ hết hùng mạnh chỉ trong thời gian không xa.
Sự ra đi của 2 thành viên KARA - nhóm nữ đình đám hàng đầu của Kpop tại Nhật đã cho thấy không điều gì là không thể. |
Đầu tiên phải kể đến việc rớt giá của đồng Yên, kéo theo các sản phẩm của làn sóng Hallyu cũng không kiếm được nhiều như trước. Thứ 2, Hallyu chỉ phát triển một chiều, Hàn Quốc chỉ tập trung để "xuất khẩu" sang Nhật nhưng lại không hứng thú "nhập khẩu" những giá trị văn hóa từ Nhật Bản. Điều này có thể gây tâm lý tiêu cực cho người Nhật. Thứ 3, Hallyu chỉ tập trung phát triển ở Nhật với tận 80% concert của sao Kpop trong năm 2012 được tổ chức tại đây, 18,3% ở các nước khác trong châu Á. Những công ty lớn như SM hay JYP cũng tìm cách khắc phục điều này bằng việc thâm nhập các thị trường mới bằng cách tuyển thêm thành viên Trung Quốc, Đài Loan hay Thái Lan. Và cuối cùng, 47% trong số 246 CEO được khảo sát đều cho rằng làn sóng Hallyu sẽ kết thúc sau khoảng 5 năm nữa. 17% lại nghĩ Hallyu sẽ tàn lụi chỉ sau 3 năm nếu không mở rộng từ âm nhạc sang cả nghệ thuật, làm đẹp, thời trang và ẩm thực.
Nối tiếp đó là "lời nguyền 7 năm" dành cho các nhóm nhạc xứ Hàn đã được ứng nghiệm. Sự tan rã của 2NE1, Wonder Girls, SNSD, f(x), T ara... chính là minh chứng cho việc "sụp đổ" các "tượng đài" Kpop có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này cũng khiến Kpop mất đi một lượng fan nước ngoài lớn. Chỉ tính riêng khán giả Việt Nam, trước quyết định tan rã của hàng loạt nhóm nhạc đình đám một thời cũng kéo theo sự giải thể của đông đảo fanclub lớn.
Quá nhiều nhóm nhạc mới ra mắt mỗi năm
Mỗi năm Kpop "đẻ" ra trên dưới 10 nhóm nhạc, ít có nhân tố mới, không có phong cách trình diễn riêng biệt mà chủ yếu cậy nhờ đến công nghệ lăng-xê cùng sự hỗ trợ đắc lực từ Internet (đặc biệt là YouTube). Chính điều này đã khiến cho khán giả không kịp nhớ cả tên nhóm nhạc là gì. Thậm chí, gương mặt của sao Hàn đôi khi quá "giống nhau", âm nhạc không có nét gì mới mẻ cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất đi một lượng fan lớn.
Các công ty thần tượng tại Hàn Quốc hiện tại đều đi theo lối mòn, từ số lượng thành viên đến phong cách. Các nhóm nữ hầu hết đi theo concept sexy, nhóm nam là hình tượng cool ngầu mới mong thu hút được khán giả. Thế nhưng, họ vẫn giống nhau đến mức nhàm chán.
Sự ra đời ngày một nhiều của các nhóm nhạc đã gây nhàm chán lớn cho khán giả. Dù các nhóm nhạc này đều được các công ty giải trí lớn đứng đằng sau, nhưng cũng không thể "phất" lên nhanh chóng. |
Dù đã tiến quân sang Nhật để mở rộng thị trường, nhưng việc chinh chiến nhiều năm trên đất bạn cũng khiến Kpop mất dần màu sắc riêng. Đến nay, chỉ một số ca sĩ, nhóm nhạc thực sự nổi tiếng mới đạt được nhiều thành tích tại thị trường âm nhạc khó tính này.
Đến nay, Big Bang vẫn là nhóm nhạc thành công nhất trong thị trường giải trí xứ Hàn. |
Vì thế, các nhóm nhạc mới ra mắt thời gian gần đây đều không thể tạo được dấu ấn với khán giả nước ngoài và khẳng định vị thế riêng biệt. Trong khi đó, các nhóm nhạc thuộc thế hệ thứ 2 của Kpop như: Big Bang, 2NE1, SNSD, T ara trải qua gần 10 năm vẫn có sức hút lớn. Cũng vì lý do đó nên thông tin nhóm T ara tan rã sau 8 năm hoạt động vừa được công ty quản lý MBK thông báo ngày 24/3/2017 lại nhận được sự quan tâm của khán giả hơn cả việc một nhóm nhạc mới đang làm gì.
Quyết định tan rã của nhóm T ara sau 8 năm hoạt động là một "cú sốc" lớn cho khán giả ngày đầu năm 2017. |
Sao Hàn "ồ ạt" tới Việt Nam chỉ để "đánh chiếm" thị trường
Cách đây một vài năm, việc ca sĩ Hàn biểu diễn ở Việt Nam chỉ mang tính hữu nghị, thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa giữa 2 nước. Rất hiếm hoi những chương trình hướng đến fan. Thế nhưng, thành công từ những chương trình hiếm hoi thời điểm đó đã trở thành nền tảng lớn để các nhà đầu tư, công ty giải trí xứ Hàn "để mắt" đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Từ năm 2014, các nhóm nhạc Hàn Quốc bắt đầu "đổ bộ" vào Việt Nam với tần suất dày đặc hơn, và chủ yếu nhằm mục đích tổ chức concert, fan meeting. Concert của 2NE1 tại TP HCM năm 2014 thu hút hơn 5000 khán giả là ví dụ điển hình nhất, dù nhóm nhạc này có thể quy tụ được nhiều fan hơn nữa cho một đêm diễn tại các nước khác, nhưng ở Việt Nam, đó là thành công lớn. Nối tiếp sau đó là chương trình "JYJ concert in Viet Nam - The Return of The King 2014" đã bị "sập" hệ thống truy cập chỉ sau 3 phút mở cổng bán vé. Đây chính là cánh cửa mở ra tiềm năng cho thị trường âm nhạc Việt trong mắt các nhà đầu tư, sản xuất Hàn Quốc.
Concert của 2NE1 năm 2014 tại TP HCM chính là bước đệm lớn cho ngành giải trí xứ Hàn tiến vào Việt Nam. |
Nhiều công ty giải trí xứ Hàn còn tiến vào Việt Nam để tìm nhân tài, thành công của cuộc thi "Ngôi sao Việt" năm 2014 là minh chứng rõ nét nhất. Đây là chương trình tìm kiếm tài năng đầu tiên có sự hợp tác giữa Việt Nam và đội ngũ sản xuất Hàn Quốc. Với sự tham gia hướng dẫn của những chuyên gia hàng đầu làng nhạc Hàn, cuộc thi đã thu hút hàng nghìn thí sinh tham gia. Không chỉ tạo cơ hội để tài năng Việt được mở mang tầm mắt với những cách thức mới, Ngôi sao Việt còn giúp họ gặp gỡ những thần tượng đình đám như 4Minute, BTOB, CNBLue… để trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, người chiến thắng cuộc thi này là Thanh Tùng còn "xách va li" sang Hàn Quốc để học hỏi, đào tạo và ra MV đầu tay.
Tính riêng trong năm 2016, nhóm T ara đã về Việt Nam giao lưu và biểu diễn tới 2 lần. |
Cho đến nay, mỗi năm, khán giả Việt lại được đón nhiều sao Hàn sang biểu diễn. Đương nhiên, Kpop sẽ không kéo quân ồ ạt sang Việt Nam để hoạt động giống như Nhật Bản hay Trung Quốc, bởi Việt Nam vẫn còn là một thị trường nhỏ bé. Nhưng với tần suất liên tục cộng với việc nghệ sĩ Việt cũng được nhận nhiều cơ hội hợp tác với làng giải trí Hàn Quốc đã vô tình biến thị trường âm nhạc xứ sở kim chi dần trở nên bão hòa và mang tính thương mại hơn là chất lượng. Thế nên có một thực tế rằng, nếu không phải một ngôi sao Hàn Quốc đình đám nào qua Việt Nam, khán giả cũng rất thờ ơ, và đó cũng là lý do tại sao đêm nhạc Kpop "khủng" ngày 25/3 vừa qua chỉ có 1000 khán giả là vậy.
Kết:
Fan Việt được đánh giá là cuồng nhiệt không thua kém gì các nước khác, do vậy ngày càng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc chọn Việt Nam là điểm đến để giao lưu với fan và thực hiện các show diễn. Làn sóng Hallyu tại thị trường Việt Nam cũng chưa thực sự nguội lạnh, vì sự xuất hiện của các ngôi sao lớn xứ Hàn vẫn được đông đảo khán giả đón nhận nồng nhiệt. Thế nhưng, ngày một nhiều nhóm nhạc lớn tan rã và sự dập khuôn theo mẫu của các ngôi sao mới nổi chính là nguyên nhân dẫn đến việc fan Việt không còn mặn mà đến mức phát cuồng như nhiều năm trước. Đó cũng là sự đi xuống nghiêm trọng của nền âm nhạc xứ Hàn tại thị trường Việt Nam.
Ảnh: Tổng Hợp (Internet)
An Nhiên
Theo Đời sống & Pháp lý
Nhận xét
Đăng nhận xét